Trong những năm gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ hỏa hoạn quy mô lớn làm thiệt hại nhiều về người và vật chất. Phần lớn các vụ hỏa hoạn lớn xảy ra đều do điện. Chính vì vậy các “ Kỹ sư cơ điện – kỹ sư MEP” cần chú ý khi thiết kế, thi công và giám sát để giảm thiểu tối đa các hiện tượng phát sinh gây lên hỏa hoạn do điện. Để hiểu rõ các nguyên nhân hỏa hoạn do điện các bạn tham khảo bài viết sau nhé.

Hoả hoạn do nguyên nhân điện (sau đây gọi tắt là hoả hoạn) phát sinh từ những hiện tượng sau:
- Dây dẫn điện bị ngắn mạch
- Dây dẫn điện bị quá tải
- Các mối nối không chặt
- Hình thành đường rò điện
- Lựa chọn sơ đồ nối đất không thích hợp

1. Dây dẫn điện bị ngắn mạch
Khi dây dẫn điện bị ngắn mạch (giữa các dây pha với nhau hoặc giữa 1 dây pha với dây trung tính), dòng điện tăng lên nhiều lần, sinh ra nhiệt, có thể tự bốc cháy và làm cháy các vật liệu ở xung quanh, gây ra hoả hoạn.
Các mạch điện phải được bảo vệ chống ngắn mạch bằng máy cắt hạ áp hoặc bằng cầu chì .
2. Dây dẫn điện bị quá tải
Khi dây dẫn điện bị quá tải trong thời gian kéo dài, dòng điện tăng lên, nhiệt độ tăng cao trong thời gian dài làm cho vỏ cách điện của dây dẫn bị hư hỏng, dẫn đến sự cố ngắn mạch.
3. Các mối nối không chặt
Các mối nối không chặt làm tăng điện trở tiếp xúc của mối nối và dòng điện đi qua mối nối sinh ra nhiệt lượng, làm tăng nhiệt độ của mối nối, làm hư hỏng cách điện hoặc phát sinh tia lửa điện, dẫn đến ngắn mạch.
Các mối nối phải xiết chặt đúng quy định ngay từ khi lắp đặt và định kỳ kiểm tra.
4. Hình thành đường rò điện
Các thiết bị điện và các đường dây điện đặt ở những nơi ẩm ướt, bụi bẩn, khuất nẻo, không được chăm sóc định kỳ sẽ phát sinh hiện tượng hình thành đường rò điện. Hiện tượng này âm ỉ tiến triển, có khi vài năm, cuối cùng sẽ dẫn đến hồ quang điện và hoả hoạn.
Để bảo vệ chống hoả hoạn do hiện tượng hình thành đường rò điện , phải dùng thiết bị bảo vệ theo dòng điện dư (RCD) độ nhậy trung bình < 500 mA
5. - Lựa chọn sơ đồ nối đất không thích hợp
Việc lựa chọn sơ đồ nối đất có ảnh hưởng đến việc bảo vệ chống hoả hoạn của trang bị điện:
-Sơ đồ IT có khả năng bảo vệ chống hoả hoạn tốt nhất, dòng điện sự cố một điểm chạm vỏ rất nhỏ, không gây ra nguy cơ hoả hoạn. Tuy nhiên phải xử lý sự cố kịp thời, giải trừ điểm chạm vỏ trong thời gian ngắn nhất để không xẩy ra sự cố chạm vỏ ở điểm thứ hai.
-Sơ đồ T T có khả năng bảo vệ chống hoả hoạn tương đối tốt. Có thiết
bị bảo vệ theo dòng điện dư (RCD), độ nhậy trung bình < 500 mA tự động cắt nguồn khi có sự cố chạm vỏ, vừa bảo vệ chống điện giật do tiếp xúc gián tiếp, vừa bảo vệ chống hoả hoạn.
-Sơ đồ T N – C khả năng gây ra hoả hoạn rất lớn, khuyến nghị không nên dùng. Tại những nơi có nguy cơ hoả hoạn cao (như kho chứa nhiên liệu, xưởng chế biến nguyên liệu dễ cháy….) thì tuyệt đối cấm không dùng.
-Sơ đồ T N – S về mặt bảo vệ chống hoả hoạn đã được cải thiện hơn nhiều so với sơ đồ TN – C, nhưng cần phải giám sát chặt chẽ.
Do đó phải lựa chọn sơ đồ nối đất phù hợp với tính chất công trình để tăng khả năng chống hoả hoạn của trang bị điện (Tham khảo TCVN 394-2007)
_________Admin Trungtamcodien.net________